Nhiều người thường nhầm lẫn sốt xuất huyết với sốt thông thường nên chủ quan hoặc tự ý điều trị dẫn đến các biến chứng nặng nề, vậy làm thế nào để phân biệt hai loại sốt này?
- Người bệnh cao huyết áp nên kiêng những thức ăn gì?
- Hướng dẫn bài tập vật lý trị liệu chữa đau dây thần kinh tọa tại nhà
- Bệnh nhân bị khô khớp nên ăn gì và uống thuốc gì?
Việc phân biệt sốt xuất huyết với sốt thông thường là rất quan trọng giúp bạn được điều trị đúng cách, phòng ngừa những biến chứng có thể xảy ra do chủ quan hoặc tự ý điều trị.
Những người nào dễ mắc sốt xuất huyết Dengue
Bác sĩ, giảng viên Cao đẳng Điều dưỡng Hà Nội – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết, Bệnh sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây nên và truyền từ người này sang người khác chủ yếu do muỗi đốt.
Đối tượng dễ mắc: Cả người lớn và trẻ em đều có nguy cơ mắc sốt xuất huyết khi bị muỗi vằn đốt. Do vậy chúng ta không nên chủ quan nếu như cơ thể có các biểu hiện sốt cao, đau đầu, đau nhức cơ khớp toàn thân.
Để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết cần tránh để muỗi đốt thông qua việc ngủ màn, tiêu diệt muỗi, dọn dẹp vệ sinh môi trường không để cho muỗi có cơ hội sinh sôi. Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu trị sốt xuất huyết, việc điều trị chủ yếu là điều trị các triệu chứng và theo dõi các dấu hiệu cần nhập viện.
Phân biệt sốt xuất huyết với sốt thông thường như thế nào?
Đối với sốt xuất huyết:
Bác sĩ giảng viên Cao đẳng Dược Hà Nội – Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur cho biết, bệnh sốt xuất huyết thông thường diễn biến qua 3 giai đoạn sau:
Giai đoạn 2-3 ngày đầu: bệnh nhân có các biểu hiện sốt cao liên tục, đau đầu, khó hạ sốt, đau mỏi người. Các triệu chứng của sốt xuất huyết lúc này cũng giống như sốt do các virus khác và chỉ có thể phân biệt được thông qua việc xét nghiệm.
Giai đoạn từ cuối ngày thứ 3 đến ngày thứ 7: người bệnh bắt đầu giảm sốt nhưng có thể xuất hiện thêm một số biến chứng như giảm tiểu cầu, tăng tính thấm thành mạch gây cô đặc máu, nổi mần đỏ ở các mức độ khác nhau. Một số trường hợp người bệnh bắt đầu có các hiện tượng chảy máu bất thường như: chảy máu cam, xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, kinh nguyệt kéo dài bất thường.
Giai đoạn từ ngày thứ 7 trở đi: Các chuyên gia y tế cho biết, giai đoạn kể từ ngày thứ 7 trở đi các biểu hiện trên sẽ hồi phục, người bệnh có thể xuất hiện các nốt ban trên da và ngứa, ngứa có thể tồn tại trong một vài ngày.
Cần phân biệt được sốt xuất huyết với các loại sốt khác để điều trị đúng
Đối với sốt phát ban, sốt siêu vi khác:
Triệu chứng của các loại sốt này là người bệnh sốt cao từng cơn, kèm theo một số triệu chứng viêm đường hô hấp trên như đau họng, ho, chảy nước mũi, toàn thân đau nhức, có thể phát ban hoặc không…
Như vậy các biểu hiện ban đầu của sốt xuất huyết rất giống với các loại sốt thông thường khác. Để phân biệt được bệnh rõ hơn cần theo dõi các biểu hiện sau vài ngày và một số dấu hiệu đặc biệt như: nếu bị sốt phát ban thì các nốt mẩn đỏ sẽ biến mất nhanh sau khi căng da, còn nếu vết ban đỏ vẫn còn hoặc biến mất rất chậm thì rất có thể là bị sốt xuất huyết.
Một điều quan trọng đáng lưu ý là nếu bị sốt phát ban hoặc sốt virus thông thường thì khi giảm sốt có nghĩa là bệnh đã khỏi dần, còn với sốt xuất huyết thì khi lui sốt là bệnh đã bắt đầu bước vào giai đoạn biến chứng nguy hiểm, cần đến các cơ sở y tế để theo dõi và xử trí kịp thời.
Để phân biệt chính xác các loại sốt thì bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để tiến hành xét nghiệm máu và được tư vấn điều trị kịp thời.
Nguồn: Truongcaodangduochanoi.vn tổng hợp.