Omep-20_Thuốc trị loét dạ dày tá tràng và những lưu ý khi sử dụng

7
5/5 - (1 bình chọn)

Omep-20 là thuốc được chỉ định điều trị loét tá tràng, loét dạ dày, viêm thực quản trào ngược, viêm dạ dày tá tràng do sử dụng thuốc kháng viêm không steroid và điều trị dự phòng tái phát loét dạ dày.

Omep-20 là thuốc gì?

 Omep-20 thuốc trị loét dạ dày tá tràng

Theo Dược sĩ CKI Nguyễn Hồng Diễm – Giảng viên tại Cao đẳng Y Dược TPHCM cho biết, Omep-20 là thuốc tác dụng trên dạ dày có chứa các thành phần hoạt chất chính là Omeprazol thuộc nhóm hợp chất ức chế sự bài tiết acid thế hệ mới, dẫn xuất của benzimidazol, thuốc hoạt động bằng cách ức chế sự bài tiết acid dạ dày bằng cách ức chế chuyên biệt hệ thống enzym H+/ K+ ATPase tại bề mặt bài tiết của tế bào thành dạ dày. Dẫn đến ức chế cả cơ chế tiết acid cơ bản và tiết acid khi bị kích thích do bất kỳ tác nhân kích thích nào.

Dạng thuốc và hàm lượng của Omep-20?

Omep-20 được sản xuất dưới dạng thuốc viên nang cứng và hàm lượng Omeprazol 20mg.

Chỉ định của thuốc Omep-20?

– Viêm loét dạ dày, loét tá tràng.

– Hội chứng trào ngược dạ dày – thực quản.

– Điều trị các triệu chứng do hội chứng Zollinger – Ellison.

– Dự phòng tái phát loét tá tràng, loét dạ dày.

– Loét dạ dày – tá tràng do dùng thuốc NSAID hay dùng corticoid.

Cách dùng – Liều lượng của Omep-20?

Cách dùng: thuốc Omep-20 dùng uống trước bữa ăn sáng 30 phút

Liều dùng: Uống 20mg/lần và bữa ăn sáng mỗi ngày, dùng trong thời gian 2-4 tuần. Có thể tăng liều lên 40mg/làn/ngày.

Cách xử lý nếu quên liều thuốc Omep-20?

Nếu người bệnh quên một liều Omep-20 nên uống ngay khi nhớ ra trong ngày đó. Không dùng liều gấp đôi. Nếu gần đến thời điểm dùng của liều tiếp theo, chỉ cần uống liều tiếp theo vào đúng thời điểm như đã lên kế hoạch điều trị.

Cách xử lý khi dùng quá liều thuốc Omep-20?

Nếu người bệnh dùng liều uống lên đến 160mg/lần, có thể gây ra các biểu hiện lâm sàng như buồn ngủ, nhức đầu, tim đập nhanh.

Tuy nhiên, nếu người bệnh có bất kỳ biểu hiện bất thường nào do dùng thuốc quá liều, phải ngừng thuốc ngay và đưa đến bệnh viện gần nhất để điều trị triệu chứng. Đồng thời dùng biện pháp thích hợp để loại thuốc ra khỏi đường tiêu hóa.

Những chống chỉ định, thận trọng khi sử dụng thuốc Omep-20?

Chống chỉ định của Thuốc Omep-20:

Người bệnh có dị ứng với Omeprazole hay bất cứ thành phần nào của thuốc hoặc các chất dẫn benzimidazol.

Thận trọng dùng Omep-20  cho những trường hợp sau:

Theo các giảng viên Trường Cao đẳng Dược Hà Nội, Lưu ý trước khi sử dụng omeprazol cho người bị loét dạ dày tá tràng, phải loại trừ chẩn đoán bị u ác tính. Vì thuốc Omep-20 có thể che lấp các triệu chứng.

Lưu ý với phụ nữ mang thai, trên lâm sàng, chưa thấy omeprazol có tác dụng độc hại nào cho thai. Tuy nhiên, việc sử dụng omeprazol trong thời gian mang thai chỉ được xem xét khi thật cần thiết.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú, vì thuốc omeprazol phân bố trong sữa mẹ, nên cân nhắc ngừng thuốc hoặc ngừng cho con bú

Lưu ý Omep-20 hầu như không ảnh hưởng đến người đang lái tàu, lái xe hay vận hành máy móc. Có thể xảy ra các tác dụng không mong muốn như chóng mặt và rối loạn thị giác. Người bệnh không sử dụng trong khi đang làm những công việc cần tập trung như lái xe hoặc vận hành máy móc.

Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng Omep-20

Tác dụng phụ của thuốc Omep-20 ?

Thường gặp

Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, trướng bụng, táo bón, chóng mặt, buồn ngủ, nhức đầu.

Ít gặp

Nổi ban, mệt mỏi, ngứa, rối loạn cảm giác, mày đay, tăng transaminase, mất ngủ.

Hiếm gặp

Viêm dạ dày, nhiễm nấm Candida, khô miệng, viêm gan, vàng da, phù ngoại biên, phù mạch, sốt phản vệ, co thắt phế quản, đau khớp, đau cơ, viêm thận kẽ, lú lẫn có hồi phục, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, giảm toàn bộ các dòng tế bào máu, mất bạch cầu hạt, thiếu máu tán huyết tự miễn, bệnh não – gan ở người suy gan, kích động, trầm cảm, ảo giác ở người bệnh cao tuổi và đặc biệt ở người bệnh nặng, rối loạn thính giác, vú to ở đàn ông, đổ mồ hôi.

Trong khi sử dụng thuốc Omep-20, người bệnh có bất kỳ biểu hiện bất thường nào  do sử dụng thuốc Omep-20, cần tham khảo ý kiến hướng dẫn của bác sĩ để xử trí kịp thời.

Omep-20 tương tác với các thuốc nào?

Ciclosporin: Dùng chung với Omeprazol, làm tăng nồng độ của ciclosporin trong huyết tương.

Vi khuẩn H. pylori: Omeprazol làm tăng tác dụng của kháng sinh diệt trừ vi khuẩn H. pylori.

Diazepam, phenytoin, warfarin: Omeprazol ức chế chuyển hóa của các thuốc bị chuyển hóa bởi hệ enzym trong cytocrom P450 của gan và có thể làm tăng nồng độ diazepam, phenytoin và warfarin trong máu.

Dicoumarol: Dùng kết hợp đồng thời với Omeprazol, làm tăng tác dụng chống đông máu của dicoumarol.

Nifedipin: Dùng kết hợp đồng thời với Omeprazol, làm giảm chuyển hóa nifedipin và dẫn đến làm tăng tác dụng của nifedipin.

Clarithromycin: Dùng chung với Omeprazol, gây ức chế chuyển hóa omeprazol và làm tăng nồng độ omeprazol cao gấp đôi.

Tóm lại, tương tác thuốc có thể làm thay đổi tác dụng điều trị của thuốc hoặc làm tăng tác dụng phụ nghiêm trọng hơn. Người bệnh thông báo cho bác sĩ kê đơn biết, để sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và đạt lợi ích trong điều trị.

DSCK1. NGUYỄN HỒNG DIỄM